Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Ấn Độ bao gồm một bữa tiệc tối chiêu đãi cấp nhà nước, hàng chục ngàn người xem cổ vũ và thậm chí là một ban nhạc diễu hành trên lạc đà. Nhưng điều không có là một thỏa thuận thương mại Mỹ - Ấn được chờ đợi bấy lâu.
Lần thứ hai kể từ tháng 9, khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thăm Mỹ, hai nước không đạt được thỏa thuận nào dù quy mô nhỏ, vốn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại cho các nhóm hàng hóa mà Mỹ muốn tập trung, bao gồm các sản phẩm sữa, thiết bị y tế và xe máy Harley-Davidson.
Tổng thống Donald Trump bắt tay Thủ tướng Narendra Modi tại sân vận động Motera ở Ahmedabad, Ấn Độ hôm 24/2. Ảnh: PMO |
Cuộc đàm phán của hai nhà lãnh đạo dân túy
Các nhà đàm phán hai nước đã làm việc từ năm 2018, hướng đến một thỏa thuận nhằm hạ thấp các rào cản của Ấn Độ đối với một số sản phẩm của Mỹ và khôi phục quyền được miễn thuế một số hàng hóa Ấn Độ sang Mỹ.
Nhưng sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán cho thấy thách thức lớn trong việc đạt được thỏa thuận thương mại giữa hai quốc gia do các nhà lãnh đạo dân túy đứng đầu, những người có những nghi ngờ về các thỏa thuận đa phương.
Cả ông Trump và ông Modi đều muốn bảo vệ công ăn việc làm ở nước mình bằng cách chống lại các đối thủ nước ngoài. Quan điểm này khiến cho việc đạt được một thỏa thuận toàn diện, dỡ bỏ các rào cản thương mại trở nên xa vời.
"Cả hai phía đều hài lòng với các quyết sách chính trị của mình và không có điểm nào là phù hợp cho đối phương", Nisha Biswal, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Ấn Độ - Mỹ bình luận. "Thật khó để tìm ra điểm chung để có thể đạt được thỏa thuận", ông thừa nhận.
Trong lần xuất hiện cùng với ông Modi hôm thứ ba (25/2), ông Trump đã chào mời một thỏa thuận với Ấn Độ về việc mua hơn 3 tỷ USD thiết bị quân sự của Mỹ, cùng các hợp đồng hàng không thương mại và khí đốt tự nhiên. Ông nói rằng hai bên đã đạt được những tiến bộ to lớn về một thỏa thuận thương mại toàn diện, và ông vẫn lạc quan rằng họ có thể đạt được.
Tuy nhiên, tính cấp bách về việc phải sớm đạt được thỏa thuận không hiện rõ. Cả hai nhà lãnh đạo vẫn nêu những quan điểm mang tính rào cản. Ông Trump cho biết ông tập trung vào một thỏa thuận lớn hơn có thể đạt được vào cuối năm nay, nếu hai bên có thể tìm thấy điểm chung.
Điều đó có thể không dễ dàng. Trong chuyến thăm của mình, ông Trump đã nhắc lại những phàn nàn trước đây về mức thuế cao của Ấn Độ đối với sản phẩm của Mỹ, bao gồm cả xe máy Harley Davidson và các hàng hóa khác.
"Chúng tôi đang bị đánh một lượng thuế lớn và bạn không thể làm như vậy. Điều đó là không công bằng, và chúng tôi đang giải quyết chuyện này", Trump nói.
Lịch sử ăn miếng trả miếng
Kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại bắt đầu, cả Mỹ và Ấn Độ đã leo thang căng thẳng bằng cách tăng cường thuế quan và các rào cản thương mại, thay vì làm giảm tình hình. Tháng 3/2018, ông Trump đưa Ấn Độ vào danh sách các quốc gia bị áp thuế thép và nhôm. Ấn Độ đáp lại bằng thuế trả đũa đối với hạnh nhân, táo và các hàng hóa khác của Mỹ. Tháng 5/2019, chính quyền Trump đã tước ưu đãi miễn thuế hàng tỷ USD hàng xuất khẩu mà Ấn Độ từng được hưởng.
Hai bên đã gần đạt được một thỏa thuận khiêm tốn vào đầu tháng 1/2020, xóa bỏ rào cản với hàng nông nghiệp, thiết bị y tế của Mỹ và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ của Ấn Độ. Nhưng Mỹ phát sinh thêm nhu cầu muốn Ấn Độ mua thêm quả óc chó và gà tây, làm trì hoãn thỏa thuận.
Ấn Độ sau đó gây bất ngờ cho Trump vào tháng 2 bằng cách tuyên bố tăng thuế nhập khẩu với hơn 100 mặt hàng, bao gồm các thiết bị y tế, đồ nội thất, điện tử, phô mai và quả óc chó có vỏ, khiến tương lai thỏa thuận thêm mù mịt.
Nhà đàm phán thương mại của ông Trump, Robert Lighthizer, đã phản ứng bằng lật lại các vấn đề đã được giải quyết trước đó. Sau đó, ông đã hủy một chuyến đi theo kế hoạch là sẽ làm việc với Bộ trưởng thương mại Ấn Độ Piyush Goyal.
Một quan chức Ấn Độ đã lưu ý về các cuộc đàm phán rằng Ấn Độ sẽ không bị bắt nạt để thực hiện một thỏa thuận Công ty dịch thuật chuyên nghiệp - MIDtrans Blog với Mỹ, đặc biệt là nếu những nhượng bộ đó cuối cùng có thể làm tổn hại đến lợi ích của Ấn Độ.
Đối với cả Ấn Độ và Mỹ, mối quan hệ thương mại là một điều quan trọng. Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ chín của Mỹ vào năm 2018, trong khi Mỹ vượt qua Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ năm ngoái.
'Trường phái' áp lực gặp 'phong cách' cứng rắn
Edward Alden, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, cho biết kết quả này cho thấy những hạn chế của cách tiếp cận thương mại của ông Trump. Trong đó, ông cố gắng tăng áp lực lên các đối tác thương mại để buộc họ thực hiện một thỏa thuận song phương.
Với các quốc gia nhỏ hơn, coi Mỹ là một thị trường lớn, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada và Mexico, ông Trump đã ký một loạt các thỏa thuận nhỏ hoặc sửa đổi. Nhưng với các nền kinh tế lớn hơn, cách tiếp cận một chọi một của ông Trump đã thực sự gặp những trở ngại, ông Alden nói.
Với Trung Quốc, dù đạt được thỏa thuận thương mại hạn chế, nhưng lại chưa giải quyết được các vấn đề kinh tế lớn nhất giữa hai nước. Các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu cho đến nay không tiến triển. Và với Ấn Độ, chiến dịch gây áp lực của ông Trump, có thể đã phản tác dụng, ông nói.
Alyssa Ayres, cũng là thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, cho biết Ấn Độ đã dần mở cửa kinh tế hơn, kể từ khi gặp khủng hoảng tài chính vào năm 1991. Nhưng trong những năm gần đây, chiến thuật thương mại của chính quyền Trump có thể đã đẩy Ấn Độ theo hướng ngược lại.
Nhưng Wendy Cutler, Phó chủ tịch Hiệp hội Châu Á, cho biết Mỹ cũng không đơn độc trong việc không thể khiến Ấn Độ ký thỏa thuận thương mại. Theo đó, Ấn Độ vẫn chưa ký thỏa thuận với châu Âu mặc dù có nhiều năm đàm phán. Theo bà, các biện pháp thuế quan và phi thuế quan mới mà Ấn Độ đang dựng lên làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán nói chung.
Riêng với chính quyền Trump, "củ cà rốt" lớn nhất là khôi phục quyền được miễn cho Ấn Độ theo Hệ thống Ưu đãi Tổng quát. Nhưng "củ cà rốt" đó, miễn 200 triệu USD một năm tiền thuế cho hàng Ấn Độ không đủ hấp dẫn để nước này thèm khát.
Mukesh Aghi, Giám đốc điều hành Diễn đàn đối tác chiến lược Mỹ - Ấn, ví dụ cuộc chiến về sữa và bò ăn chay như một thực tế mà hai bên khó đồng thuận.
Ấn Độ sản xuất nhiều sữa hơn bất kỳ ai khác trên thế giới mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Nhưng nước này lo rằng sữa nhập khẩu giá rẻ từ Mỹ sẽ quét sạch 80 triệu nông dân nhỏ của họ. Cùng với đó là vấn đề những con bò phải ăn chay.
Ở Mỹ, gia súc thường được cho ăn các bộ phận của động vật khác. Điều đó trái quy định của Ấn Độ giáo. Vì vậy, một số nông dân Mỹ sẵn sàng nuôi bò bằng chế độ ăn chay hoàn toàn trong 90 ngày trước khi sữa của chúng được gửi đến Ấn Độ. Tuy nhiên, "chính phủ Ấn Độ vẫn không sẵn lòng chấp nhận điều này", Tom Vilsack, Giám đốc điều hành của Hội đồng xuất khẩu sữa Mỹ nói. "Tôi không thấy còn đường nào phía trước", ông thú nhận.
Phiên An ( theo The New York Times )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét