Những ngày này, trong lán vật liệu xây dựng đặt cạnh nhà thờ Bùi Chu (xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường), nhóm thợ mộc đang miệt mài chạm trổ từng chi tiết gỗ để tạo hoa văn. Sau khi chuyển đồ nội thất ra ngoà i, đã hai tuần nay, các giáo dân Bùi Chu hành lễ trong một căn lán khác dựng tạm gần đó.
Đại diện Toà giám mục Bùi Chu cho biết, việc chuẩn bị xây nhà thờ mới đang tiến hành khẩn trương. Tuy nhiên, quá trình chạm khắc gỗ đòi hỏi nhiều thời gian, sao cho nhà thờ mới sẽ lưu giữ nhiều nhất đường nét của công trình cũ.
"Việc hạ giải dự kiến diễn ra vào 17/2, nhưng đã hoãn lại vì công việc chuẩn bị chưa hoàn tất", linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang, Tổng đại diện giáo phận Bùi Chu nói.
Cũng theo linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang cho hay, trong 135 năm, nhà thờ Bùi Chu đã trải qua nhiều lần tu sửa, trong đó hai đợt lớn vào năm 1974 và 2000. Tuy nhiên đến nay nhiều hạng mục của nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng. "Vì vậy, giáo phận quyết định hạ giải nhà thờ cũ để xây nhà thờ mới với kiến trúc tương tự. Dự kiến, sau khi hạ giải, các cấu kiện từ nhà thờ cũ nếu còn nguyên vẹn sẽ được đưa sang nhà thờ mới", ông Giang khẳng định.
Nhà thờ Bùi Chu cũ (trái) và phối cảnh nhà thờ Bùi Chu mới sắp xây dựng. Ảnh: Giang Huy |
Ông Vũ Thế Dự, một giáo dân ở Bùi Chu cho biết thêm, theo bức phối cảnh được Toà giám mục phổ biến thì nhà thờ mới sẽ có kiến trúc giống công trình cũ.
"Bức tượng chúa Giêsu Vua ở đỉnh mặt trước nhà thờ do ông nội tôi trước là Trưởng hội thanh niên công giáo Bùi Chu dựng và đưa lên, cũng sẽ được giữ lại và đặt ở vị trí tương tự", ông Dự nói.
Theo một số tài liệu, nhà thờ Bùi Chu xây dựng theo kiến trúc Baroque (Ba Rốc) , với đường nét kết hợp hài hoà giữa phong cách Tây Ban Nha và phương Đông. Những bức tường được xây kiên cố, với màu sơn thổ hoàng bên ngoài.
Năm 1884, sau khi nhận chức giám mục, Wenceslao Onate Thuận nhận thấy làng Bùi Chu là trung tâm có thể kết nối với các giáo xứ xung quanh. Hơn nữa, nơi đây gần sông Ninh Cơ, nên việc đi lại thuận tiện. Vì vậy, ông chọn làng này làm nơi đặt toà giám mục và xây nhà thờ lớn.
Nhà thờ do giáo dân địa phương đóng góp công sức, vật liệu để xây dựng và khánh thành năm 1885, với chiều dài 78 m, rộng 22 m, cao 15m, hai tháp chuông cao 30 m. Điều đặc biệt là cổng vào nhà thờ có chiếc đồng hồ treo trên tháp, do người Pháp sản xuất riêng cho nhà thờ Bùi Chu năm 1922. Đồng hồ đặt ở lưng chừng tháp, cách mặt đất khoảng 6 m, mặt có chữ F. Fanier - Robecourt.
Chiếc đồng hồ đến nay vẫn hoạt động tốt, theo nguyên tắc dùng vật nặng làm chuyển động bánh xe, với ba quả tạ bằng kim loại, mỗi quả nặng 50 kg. Quả tạ sẽ làm chuyển động các bánh răng chạy giờ và đánh nhạc theo chu kỳ 15 phút và mỗi giờ.
Phía trước nhà thờ Bùi Chu có bức tượng chúa Giêsu Vua và ghi năm khánh thành. Ảnh: Giang Huy |
Bên trong là những hàng cột gỗ lim to lớn đặt trên trụ đá cổ bồng, chạm trổ tỉ mỉ. Cung thánh được sơn son thếp vàng và có bàn thờ bằng đồng do người dân đóng góp.
Trần nhà thờ làm bằng vôi rơm, có độ bền cao, phù hợp với khí hậu nhiệt đới miền Bắc. Hình oval ba lá trên trần và trong những ô cửa nhỏ được trang trí cầu kỳ, vừa mang nét đẹp phương Tây, vừa gợi nét kiến trúc phương Đông cổ kính.
Nhà thờ chính toà Bùi Chu. Ảnh: Giang Huy |
Ông Martin Rama (giám đốc dự án của Trung tâm Phát triển Đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), nhận xét, nhà thờ Bùi Chu "nổi bật vì sự thanh lịch và tỷ lệ hài hòa".
Theo ông, nhà thờ Bùi Chu là "một trong những ví dụ hiếm hoi về kiến trúc Baroque ở Việt Nam". Ông lý giải điều này do đức cha đã xây dựng nhà thờ vào năm 1884, cha Wenceslao Onate Thuận là một người Tây Ban Nha, và phong cách Baroque rất thịnh hành ở đất nước quê hương ông.
"Nhà thờ Bùi Chu cổ cũng nổi bật với những chi tiết tinh tế, nhiều trong số đó rất đặc trưng kiểu Việt Nam. Tôi rất thích chuỗi các vòm Dịch thuật miền trung tại Quảng Ngãi Blog trần nhấp nhô duyên dáng chống đỡ mái nhà. Tuy nhiên, những vòm này hoàn toàn không được kết hợp trong thiết kế của nhà thờ mới", ông Martin Rama nói thêm.
Nhìn nhận "nguy cơ mảnh vỡ có thể rơi xuống từ trần nhà và gây nguy hiểm cho giáo dân là có thật", nhưng ông Martin Rama cho rằng điều đó không có nghĩa là nhà thờ cổ nên bị phá hủy. "Nếu được chính quyền địa phương cấp một mảnh đất, để xây nhà thờ mới thì giáo dân sẽ có nơi an toàn để tổ chức các nghi lễ quan trọng mà không phải phá bỏ nhà thờ cũ", ông bày tỏ.
Tuy nhiên, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam ủng hộ việc xây dựng lại nhà thờ mới theo hình dáng cũ.
"Nhà thờ mới phải được xây dựng theo xu hướng mới, bằng nguyên vật liệu mới phù hợp với thời đại, đảm bảo an toàn cho giáo dân khi hành lễ. Những chi tiết của nhà thờ cũ như chân cột bằng đá, các bức tượng, các ô cửa kính... nếu còn nguyên vẹn thì nên đưa sang nhà thờ mới, để thế hệ mai sau nhớ đến lịch sử hơn trăm năm của nhà thờ Bùi Chu", ông Tùng nói và đề xuất quét 3D để lưu giữ hình ảnh nhà thờ cũ.
Đầu tháng 5/2019, hay tin giáo phận Bùi Chu sẽ hạ giải nhà thờ vào ngày 13/5, 25 kiến trúc sư đã gửi đơn đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đề nghị can thiệp giữ lại nhà thờ.
Ngày 10/5, linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang, Tổng đại diện, Trưởng ban xây dựng nhà thờ chính tòa Bùi Chu ký thông báo hoãn việc hạ giải nhà thờ chính tòa.
Bùi Chu là giáo phận có diện tích nhỏ nhất Việt Nam với 1.350 km2; phía Đông Bắc giáp với sông Hồng và tỉnh Thái Bình; phía Tây Bắc giáp Hà Nội; Tây Nam giáp Ninh Bình; Đông Nam là Vịnh Bắc Bộ. Giáo dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, đi biển, thương mại, cơ khí...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét