Giữa trưa, bà Thành (mẹ Lan Anh) lúi cúi ở góc phòng phồng má thổi vào nồi bồ kết vừa đốt kể, bà nghe người ta nói đốt bồ kết để xông nhà có thể giết được virus corona gây bệnh nên mua về làm ngay. "Sáng nay ra chợ, ai cũng tranh nhau mua bồ kết.Nhà một cân, nhà thì vài cân", bà Thành nói.
Lan Anh cố gắng giải thích cho mẹ là hiện chưa có thuốc đặc hiệu trị bệnh viêm phổi do nCoV và cũng chưa có vaccine nên mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn sức khỏe như khuyến cáo của Bộ Y tế. Nhưng bà Thành vẫn quyết tâm xông nốt phòng khách rồi mới dừng.
"Cả ngày hôm qua, đi đến nhà nào trong xóm tôi cũng khói mịt mù, tưởng có cháy", Lan Anh kể với giọng hài hước.
Khẩu trang trở thành vật dụng không thể thiếu khi ra đường của người Hà Nội. Ảnh: Lương Hương. |
Cũng "khóc dở mếu dở" vì cách phòng bệnh của mẹ, Minh Trang, 25 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội vừa đi chùa về, bị bắt uống một cốc "thần dược" để tăng sức đề kháng. "Mẹ tôi nấu nước với củ sả và vỏ cam, bắt cả nhà uống mỗi sáng và sau khi ra ngoài về. Khó uống lắm, nhưng bà canh đến lúc tôi uống xong mới chịu. Buổi tối, bà lấy dầu gió bôi từ đầu đến chân, rồi bắt hai chị em tôi làm theo", cô nhăn nhó kể.
Trưa 4/2, đi ngang qua một đơn vị hành chính ở Tiên Sơn, Bắc Ninh, anh Phan Ngọc Tân, 32 tuổi, ở Hà Nội thấy hai nhân viên hì hụi "chế" thuốc để phun khử trùng các phòng làm việc. Chày, cối có mặt ngay tại "điểm chống dịch", phân công lao động rõ ràng, phụ nữ giã tỏi, còn người đàn ông phụ trách pha chế.
"Quan sát, tôi thấy hỗn hợp gồm có tỏi giã nát, nước cốt chanh, nước muối, cồn. Chẳng biết hiệu quả đến đâu nhưng ngửi mùi chanh, tỏi tôi chỉ thấy thèm bún đậu", anh Tân bình luận.
Hỗn hợp gồm chanh, nước muối, cồn và tỏi để phòng dịch viêm phổi Vũ Hán. Ảnh: Phan Tân. |
Từ khi bệnh nhân đầu tiên dương tính với nCoV được phát hiện ở Việt Nam, người dân truyền tai nhau đủ cách khử trùng hoặc chống nhiễm bệnh bằng "bài thuốc dân gian". Nếu như xông nhà bằng khói bồ kết hay tỏi dù có mùi khó chịu nhưng ít gây hại thì có người được "mách" những phương pháp rất nguy hiểm.
Lương y Nguyễn Vinh, chủ một hiệu thuốc đông y ở Đà Nẵng kể, có nữ khách hàng đến hỏi mua chu sa nguyên chất (một loại khoáng vật, thành phần chủ yếu là thủy ngân) để đốt khử trùng nhà cửa. "Tôi không hiểu sao có người xúi dại cô ấy thế, chu sa là chất cực độc, ít nơi được cấp phép bán. Khi bị đốt, nó sẽ phân hủy, giải phóng thủy ngân Hg (nguyên tố) và khí lưu huỳnh (SO). Toàn những chất độc, nguy hiểm tính mạng", vị lương y nói.
Đêm 6/2, chị Nguyễn Thị Vân, 42 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa nhận được điện thoại của con gái từ Hà Nội dặn phải luộc trứng gà ăn ngay trong đêm bởi phương pháp này "có thể chống dịch virus corona". Nửa đêm, chị Vân soi đèn cho con trèo tường sang chuồng gà nhà bà nội.
Sáng sau, chị hồ hởi sang nhà bà Hồng (hàng xóm) khoe thành tựu. Nghe chuyện, bà Hồng mới biết vì sao đêm qua, dù đã đi ngủ, chồng bà vẫn luộc trứng mang đến tận giường bắt ăn. Đêm đó, hàng chục người ở ngôi làng ven biển này ăn trứng để chống dịch bệnh.
Tối qua, một người đọc báo mạng nói lại, người phụ nữ phao tin đồn nhảm "ăn trứng gà luộc sẽ thoát nạn diệt vong" bị công an triệu tập, những người làm theo mới chưng hửng.
Đọc hàng loạt tin tức trên mạng về dịch viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới gây ra, bà Nguyễn Thanh Hoa, 52 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội đâm hoang mang. Một ngày, thấy có điểm phát khẩu trang miễn phí trên phố Thái Hà, quận Đống Đa, bà vội vã chạy xe máy đến nhận với niềm tin là khẩu trang có thể phòng dịch thuật ngừa virus corona.
Sau vài phút xếp hàng, bà có ba cái khẩu trang. Người phụ nữ đưa một cái lên mặt định đeo, thì nghe người lạ mặt phàn nàn: "Nhiều người lạ thật, sợ vi khuẩn, virus, mà lấy khẩu trang từ một người không đeo găng tay, cách đeo thế nào cũng không biết". Câu nói khiến bà Hoa đỏ mặt.
Tên một số nhân vật đã thay đổi.
Bộ Y tế khuyến cáo để phòng dịch viêm phổi do nCoV, người dân cần:
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn);
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng;
- Che kín miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Giặt sạch khăn hoặc bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng và rửa sạch tay;
- Duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể, ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất, giữ ấm mũi họng, nâng cao thể trạng;
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở), trong trường hợp cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc;
- Nếu thấy bản thân hoặc người cùng làm việc có các biểu hiện sốt, ho, khó thở,... cần thông báo cho cơ sở y tế để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.
Phạm Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét